Phản ứng Vụ du khách Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan 2018

Chính phủ Đài Loan

"Những gì xảy ra tuần trước là một trường hợp cá biệt. Vẫn có các đoàn du khách chất lượng và không nên nhìn nhận chương trình [thị thực Quan Hồng] quá tiêu cực. Sở Di dân Đài Loan (NIA) vẫn cần điều tra thông tin liên quan đến sự cố này và chúng tôi sẽ bổ sung biện pháp phù hợp để đối phó với những tình huống tương tự."

Thông cáo của Cục Du lịch Đài Loan vào ngày 27 tháng 12 năm 2018.[26]

Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc đã lập tức hủy bỏ thị thực đoàn du khách người Việt mất tích và ngưng thụ lý cấp thị thực đoàn đối với Công ty Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ Quốc tế,[4][22][27] đồng thời đội đặc nhiệm Sở Di dân Đài Loan (NIA) tại thành phố Cao Hùng tiến hành truy vết vào ngày 25 tháng 12.[4][11][15] Theo thông cáo từ Sở Di dân Đài Loan (NIA), nhóm 152 người Việt sẽ bị trục xuất vì vi phạm Đạo luật Di dân và Xuất nhập cảnh Đài Loan, đồng thời không thể nhập cảnh Đài Loan trong một khoảng thời gian nhất định.[4] Sáng ngày 26 tháng 12, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại thành phố Hồ Chí Minh hội đàm với các công ty lữ hành Việt Nam về sự cố du khách người Việt mất tích, Đài Loan vẫn duy trì thị thực Quan Hồng cho du khách người Việt nhưng sẽ siết chặt quản lý sau khi nhập cảnh.[5][8][11] Bộ Lao động Đài Loan thông cáo người chứa chấp người nhập cư bất hợp pháp bị phạt 150.000–750.000 NT$, người tố giác người nhập cư bất hợp pháp nhận 50.000 NT$.[9][16] Thứ trưởng Bộ Nội chính Trần Tông Ngạn thông cáo Sở Di dân đã thành lập chuyên án Quan Hồng, "ba đại đội chuyên cần của Sở Di dân tại miền Nam, miền Trung, miền Bắc đều đã thành lập tiểu ban truy nã".[1] Hôm sau, Cục trưởng Cục Du lịch Đài Loan Châu Vĩnh Huy thông cáo phối hợp với Sở Di dân Đài Loan (NIA) và Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc sẽ kiểm tra ngẫu nhiên hồ sơ du khách đăng ký thị thực.[18][19][26] Tại Ủy ban giao thông Lập pháp viện Trung Hoa Dân Quốc, Cục trưởng Châu Vĩnh Huy cho biết Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc đã đề nghị Hành chính viện Trung Hoa Dân Quốc mở hội thảo liên bộ nhằm gia tăng cơ chế xét duyệt thị thực.[28]

Ngày 29 tháng 12, Trưởng Sở Di dân Đài Loan Khưu Phong Quang [vừa nhậm chức] cam kết đảm bảo nhân quyền nếu người Việt mất tích ra trình diện, đồng thời chỉ thị điều tra nhóm tổ chức đứng sau sự kiện mất tích.[29][30] Trương Cảnh Sâm — Ủy viên chính vụ chuyên trách du lịch thuộc chính sách hướng Nam mới — đề nghị Bộ Giao thông và Thông tin Đài Loan rà soát đơn đăng ký du lịch theo đoàn, Bộ Nội chính giám sát du khách nhập cảnh theo thị thực Quan Hồng.[31] Ngày 1 tháng 1 năm 2019, Sở Di dân Đài Loan thông cáo kêu gọi du khách người Việt ra trình diện, nếu bị bắt giữ thì có thể bị tạm giam ba năm và chịu mức phạt 90.000 NT$.[32] Ngày 4 cùng tháng, Trưởng Sở Di dân Đài Loan Khưu Phong Quang công bố người tố giác nhận thưởng 4.000 NT$ đối với mỗi du khách người Việt mất tích, người chứa chấp có thể chịu phạt 750.000 NT$.[2] Ngày 7 tháng 1 cùng năm, Sở Di dân Đài Loan gửi thông cáo chương trình "Mở rộng chuyên án tự báo án đối với người nước ngoài cư trú quá hạn" tới Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam, khẳng định người Việt trong tình trạng lưu trú quá hạn tại Đài Loan tự nguyện hồi hương từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 30 tháng 6 thì sẽ không bị tạm giam, không bị cấm nhập cảnh Đài Loan và chịu mức phạt thấp nhất 2.000 NT$.[33][34][35] Hôm sau, Phó cục trưởng Cục Du lịch Trương Tích Thông thông cáo đang dự thảo sửa luật duyệt thông tin xin thị thực, đồng thời siết chặt tiêu chuẩn đối với công ty lữ hành Việt Nam.[36]

Chính khách Đài Loan

Đại biểu Lập pháp viện Trung Hoa Dân Quốc Diệp Nghi Tân (thuộc Đảng Dân chủ Tiến bộ) yêu cầu Cục Du lịch Đài Loan công bố số lượng và quốc tịch du khách bỏ trốn tại Đài Loan kể từ khi thực thi chính sách thị thực Quan Hồng tại Đài Loan.[9] Ngày 26 tháng 12 năm 2018 tại Lập pháp viện Trung Hoa Dân Quốc, Trung Quốc Quốc dân Đảng yêu cầu Hành chính viện Trung Hoa Dân Quốc triệu tập hội nghị liên bộ và thẩm tra lại chương trình thị thực Quan Hồng thuộc chính sách hướng Nam mới.[1] Chủ tịch Trung Quốc Quốc dân Đảng Giang Khải Thần nói rằng "Trung Quốc Quốc dân Đảng hoan nghênh tất cả bạn bè Đông Nam Á đến thăm Đài Loan", nhưng kiến nghị chính phủ của Thái Anh Văn không buông lỏng thủ tục cấp thị thực nhằm tránh "hướng Nam mới" biến thành "khó khăn mới".[37]

Ủy viên chính vụ Trương Cảnh Sâm bình luận trên Facebook rằng "ăn bánh bích quy không thể mất hạt vừng?", đồng thời chỉ trích các đại biểu lập pháp và truyền thông tin tức của Trung Quốc Quốc dân Đảng đã tấn công liều lĩnh chính sách hướng Nam mới trong hai ngày qua, phủ nhận cáo buộc thị thực Quan Hồng mang theo những kẻ truy nã và gái mại dâm, khẳng định thị thực Quan Hồng giúp Đài Loan thoát khỏi sự lệ thuộc vào du khách từ Trung Quốc đại lục.[38][39] Viện trưởng Hành chính viện Lại Thanh Đức nhận định tuyên bố của Trương Cảnh Sâm không phù hợp vì chính phủ của Đảng Dân chủ Tiến bộ cần phải đối diện vấn đề trung thực và giải quyết theo cách thức người dân Đài Loan muốn thấy.[38][40] Đại biểu Lập pháp viện Trung Hoa Dân Quốc Hứa Trí Kiệt (thuộc Đảng Dân chủ Tiến bộ) cho rằng lời nói của Trương Cảnh Sâm phi nhân đạo, đồng thời khẳng định không phải "ăn mất hạt vừng bánh bích quy", sự kiện giống như "muốn ăn bánh bao, còn lại một mớ bánh bao nhưng bánh bao bên dưới đã không còn". Đại biểu Lập pháp viện Trung Hoa Dân Quốc Trần Đình Phi (thuộc Đảng Dân chủ Tiến bộ) đặt câu hỏi "con ốc vít nào bị lỏng ở phân đoạn này? Liên kết nào có vấn đề? Tôi nghĩ thị thực Quan Hồng nên được dừng ngay lập tức".[40]

Công luận Đài Loan

Chủ tịch Hiệp hội phục vụ và cứu viện du lịch quốc tế Đài Loan Hứa Cao Khánh thống kê 10 công ty lữ hành Việt Nam thỏa mãn thị thực Quan Hồng vào tháng 11 năm 2015, nhưng sau khi Đảng Dân chủ Tiến bộ nắm quyền thì 102 công ty lữ hành Việt Nam thỏa mãn thị thực Quan Hồng; chính phủ Đài Loan đang dự thảo yêu cầu công ty lữ hành phải thành lập từ ba năm trở lên.[36] Theo phỏng vấn của Tuổi Trẻ, một số người Đài Loan cảm thấy "khủng khiếp" và cho rằng đoàn du khách người Việt mất tích sẽ làm việc tại những nơi không tuyển được lao động.[27] Phó giáo sư Hoàng Chính Thông tại Đại học Tịnh Nghi nhận định sự kiện hiếm thấy theo tỷ lệ bỏ trốn, nhưng cho rằng chính phủ Đài Loan không nên dừng thị thực Quan Hồng với người Việt vì sẽ mất thị trường du lịch lớn.[41] Trưởng Hiệp hội Lữ hành Đài Loan Lý Kỳ Duyệt cho rằng các công ty lữ hành Đài Loan trở thành nạn nhân trong nhiều trường hợp tương tự, đồng thời đề nghị chính phủ Đài Loan siết chặt quy định du lịch nhằm hạn chế nhập cư bất hợp pháp.[19][23] Theo phỏng vấn của Taipei Times (zh; en) (台北時報; Đài Bắc Thời báo), các công ty lữ hành Đài Loan đánh giá sự kiện là minh họa cụ thể về tổ chức buôn người lợi dụng lỗ hổng trong chương trình thị thực Quan Hồng.[26] Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ Tuyển dụng thành phố Đào Viên Hoàng Cảo Kiệt cho biết du khách người Việt bỏ trốn thường liên lạc với cô dâu Việt tại Đài Loan hoặc người quen, sau đó nhờ giới thiệu việc làm.[42]

Chính phủ Việt Nam

"Đây là vấn đề nghiêm trọng, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế.[...] Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng đây là hình thức lợi dụng hoạt động du lịch và chính sách nới lỏng thị thực nhập cảnh cho du khách của các quốc gia và vùng lãnh thổ để trốn ở lại lao động trái phép. Không loại trừ khả năng có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách này để hình thành đường dây tổ chức đưa người Việt Nam đi nước ngoài bất hợp pháp."

Thông cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào ngày 26 tháng 12 năm 2018.[43][44]

Ngày 26 tháng 12, Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ thị Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc phối hợp xác minh với phía Đài Loan, đồng thời đề nghị Tổng cục Du lịch và các cơ quan liên quan phối hợp điều tra.[4][27][45] Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc Nguyễn Anh Dũng cho biết chưa xác định rõ sự kiện liên quan đến buôn người hay tổ chức đưa người sang lao động bất hợp pháp.[46] Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh triệu tập đại diện Công ty Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ Quốc tế, công ty này xác nhận chỉ hỗ trợ thủ tục thị thực Quan Hồng và không tổ chức lịch trình tham quan.[11][14] Chiều 27 tháng 12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều tra và thời hạn báo cáo chính phủ trong bảy ngày. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi công văn kiến nghị Bộ Công an điều tra việc tổ chức đưa người bỏ trốn ra nước ngoài.[47]

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ thị Tổng cục Du lịch, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cùng chính quyền thành phố Hà Nội kiểm tra các công ty lữ hành liên quan. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hội đàm với Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội nhằm đề nghị bảo đảm nhu cầu du lịch của người Việt tới Đài Loan.[43] Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng gửi văn bản số 5897 tới Sở Du lịch và Sở Văn hóa Thể thao Du lịch toàn quốc, yêu cầu rà soát giấy phép xin thị thực của các công ty lữ hành.[43][48][49] Theo chỉ thị của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 28 tháng 12, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc thông cáo đề nghị chính phủ Đài Loan đảm bảo danh dự cá nhân đối với du khách người Việt đang bị tạm giữ và được phép thăm lãnh sự các công dân trên.[41][50] Trả lời phiên chất vấn tại Quốc hội Việt Nam ngày 7 tháng 6 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định sự kiện là "vết nhơ của ngành du lịch Việt Nam", đồng thời thừa nhận chính phủ và chính quyền địa phương đã buông lỏng quá trình thanh tra.[51]

Truyền thông Việt Nam

Theo phỏng vấn của Dân trí, đại diện một số công ty lữ hành Việt Nam cho rằng sự kiện nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hình ảnh du khách người Việt trước quốc tế.[52] Nguyên Khánh trên Tiền Phong nhận định du khách người Việt bỏ trốn số lượng lớn khiến "ảnh hưởng nghiêm trọng" đến hình ảnh Việt Nam.[49] Chiến Văn trên Dân Việt đồng cảm với 152 du khách Việt Nam, coi họ là nạn nhân của môi giới lao động.[53] Minh Quang trên Hà Nội Mới nêu quan điểm siết chặt pháp lý, tuyên truyền để công dân Việt Nam nhận thức về rủi ro khi lao động bất hợp pháp.[54] Tuổi Trẻ xuất bản bài viết nhìn nhận du khách người Việt bỏ trốn vi phạm pháp lý Đài Loan và ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, nhưng nhận định việc còng tay du khách không nhân đạo.[55] Đài Truyền hình Việt Nam đánh giá sự kiện gây ảnh hưởng đến ngành du lịch quốc gia và hình ảnh người Việt trước quốc tế.[56]

Truyền thông quốc tế

Nguyễn Lễ trên BBC so sánh sự kiện với "nỗi nhục quốc thể" của Việt Nam, khẳng định uy tín của Việt nam tương đồng với vị thế hộ chiếu Việt Nam, đồng thời kêu gọi giới chính khách Việt Nam xây dựng các chính sách nâng cao thu nhập của người Việt.[57] Theo phỏng vấn trên Đài Á Châu Tự Do, đại diện một số công ty lữ hành Việt Nam cảm thấy buồn khi Việt Nam đã thống nhất khoảng 40 năm nhưng người Việt vẫn tìm cách nhập cư bất hợp pháp, nhận định rằng nguyên nhân không chỉ bắt nguồn từ công dân Việt Nam mà còn từ cách quản lý của chính phủ Việt Nam.[58] Lệ Phương trên Đài Phát thành Quốc tế Đài Loan đánh giá sự kiện du khách bỏ trốn lớn nhất trong lịch sử Đài Loan.[59] Mercedes Hutton trên South China Morning Post đặt câu hỏi về lỗi trung thực hay vấn nạn buôn người.[24] Nick Aspinwall trên The Diplomat cho rằng sự kiện góp phần thúc đẩy các đại biểu lập pháp đối lập tại Đài Loan đặt câu hỏi về chính sách hướng Nam mới của Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Thái Anh Văn.[60] Lý Thiên trên DW News nhận định sự kiện du khách mất tích tập thể đã phủ bóng đen lên chính sách hướng Nam mới của Đài Loan.[61] Hàn Hương trên Sohu mỉa mai sự kiện làm bẽ mặt chính sách hướng Nam mới của Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Thái Anh Văn.[62] Chu Tuệ Di trên Đại Công báo đặt câu hỏi chính sách 'hướng Nam mới' có đang trở thành con ngựa thành Troia cho hoạt động buôn người tại Đài Loan khi lãnh đạo Thái Anh Văn của Đảng Dân chủ Tiến bộ coi nhẹ vấn đề an ninh nhập cảnh.[63] Ngô Tư Hiền trên Liên Hợp báo đánh giá chính sách hướng Nam mới của Thái Anh Văn sai lầm vì "không chỉ lãng phí nhiều tiền thuế mà còn phải trả giá đắt cho an ninh quốc gia và trật tự công cộng".[64] Vương Á Bình trên Nhân Dân nhật báo mỉa mai Đảng Dân chủ Tiến bộ "tự chuốc họa vào thân" khi lựa chọn rời xa vòng tay "vị thần giàu sang" Trung Quốc đại lục, cho rằng chính sách hướng Nam mới là "quả dưa không ngọt với muôn vàn rắc rối".[65][66]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ du khách Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan 2018 http://tw.people.com.cn/BIG5/n1/2018/1227/c14657-3... http://www.taipeitimes.com/News/taiwan/archives/20... http://www.takungpao.com/opinion/233116/2019/0102/... http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Du-lich/924341/... https://asiatimes.com/2019/03/four-charged-over-mi... https://www.bbc.com/vietnamese/forum-46727805 https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46683948 https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46691726 https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46721308 https://www.chinatimes.com/newspapers/201901220005...